Nhận định Trần_Lựu

Sử chép ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429) ban biên ngạch cho 93 công thần nhưng không thấy có tên Trần Lựu (nay Lê Lựu), chỉ biết rằng ông được ban quốc tính (họ vua)(19). Sau chiến thắng ấy, những nhân vật làm nên lịch sử được thưởng công với các phẩm trật khác nhau, nhưng cũng sau đó không lâu, nhiều người bị sát hại, hoặc bỏ tù như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi... Còn Trần Lựu, trong một thời gian dài kể từ năm 1427 đến năm 1436 (10 năm) không thấy chính sử chép đến những hoạt động của ông. Đại Việt sử ký toàn thư có 5 lần nhắc đến các hoạt động, những công việc của Trần Lựu vào các năm sau cuộc kháng chiến: 1436, 1456 (2 lần), 1459, 1460. Có thể nhận thấy rằng những thông tin về ông tuy ít ỏi, rời rạc, thời gian gián đoạn nên chúng ta không thể biết được nhiều hơn. Nhưng qua những dòng sử này, cho ta thấy Trần Lựu vẫn là một “người lính”, một “lưu quan” trên mặt trận quân sự bảo vệ tổ quốc ở trấn Tuyên Quang và Thanh Hóa xa xôi. Sử chép: “năm Bính Thìn [Thuận Bình] năm thứ 3 (1436), mùa thu, tháng 7 (...) lấy Tuyên phủ đại sứ Thái Nguyên hạ bạn là Lê Lôi làm Xã kỵ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản phủ lộ Thanh Hóa, Tuyên úy đại sứ trấn Tuyên Quang là Trần Lựu làm Kim ngô vệ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản lộ Thanh Hóa”(20).

Không biết ông đảm nhận chức này trong thời gian bao lâu, chỉ biết rằng 20 năm sau (1456) Trần Lựu giữ chức quan trông coi việc an ninh trong kinh thành. Quốc sử còn ghi: tháng 2 năm Bính Tý (1456): “Ra lệnh cho bọn Nhập nội Tư đồ Bình chương sự Lê Hiệu, Nhập nội Đô đốc Bình chương sự Lê Lựu trông coi việc giữ thành trì, ngày đêm nghiêm ngặt tuần phòng trong ngoài theo đúng phép”(21). Nhưng sau đó, một tháng sau không biết vì lý do gì ông phải tiếp tục đi làm lưu quan ở Tây Đạo (gồm vùng Tam Giang, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Gia Hưng). Qua lời tâu từ chối nhận bổng lộc của ông, cho thấy ông là một người khí khái, bộc trực và lúc này có lẽ ông đã già, chán ghét bọn hoạn quan chuyên quyền, bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử: ngày 23 tháng 3 năm Bính Tý (1456) Diên Ninh thứ 3: cấp tiền lương bổng hàng năm cho các thân vương, công chúa đại thần và các quan võ theo thứ bậc khác nhau, Tây đạo Đô đốc Lê Lựu tâu rằng: “Thần đã thấy dân chúng khốn khổ quẫn bách, dẫu một đồng nhỏ nhoi cũng coi bằng 10 đồng. Do vậy, thần xin không nhận tiền lương hàng năm. Bệ hạ không coi thần có tội, ban riêng cho thêm 50 hộ, lại thêm tiền lương bổng 1 năm, thì thu nhập tất lại tăng rất nhiều. Nay đương cấp tiền lương hàng năm cho các quan, thần xin được từ chối không nhận”(22). Và sự kiện cuối cùng viết về ông trong Đại Việt sử kí toàn thư là việc ông đi đánh giặc ở Bồn Man vùng Tây Bắc: “Tháng 12 năm 1460, sai Thái phó Lê Lựu, Thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm (Tức họ Lai Cầm, tù trưởng Bồn Man)(23).

Có thể nói rằng, Trần Lựu là một người từng trải, cả cuộc đời ông gắn với binh nghiệp. Ông đã có công lao lớn, một vị tướng có tài trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc những năm hòa bình độc lập. Cuộc đời của ông trải qua những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược Minh gian khổ và tiếp đó ít nhất là bốn đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông với những đóng góp nổi bật. Ta có thể tạm chia làm hai giai đoạn: giai đoạn trai trẻ trước cuộc kháng chiến chống Minh ông luôn gắn bó với miền Đông Bắc từ Tuyên Quang đến Quảng Yên (Quảng Ninh) và giai đoạn còn lại của cuộc đời (sau cuộc kháng chiến toàn thắng), ông lại gắn bó nhiều năm với vùng Tây Đạo - phía tây bắc - nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc.

Từ những vấn đề trình bày ở trên chúng tôi cho rằng, văn bản thần tích về Trần Lựu đã được người đời sau biên soạn thêm vào những chi tiết không đúng với sự thật lịch sử. Và Trần Lựu được thờ làm thành hoàng ở đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch (Hà Nội) là một nhân vật có thật - một vị tướng tài ba có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV. Hơn nữa, qua những tư liệu viết về Trần Lựu, cho chúng ta biết ông còn một vị tướng - một nhà quân sự suốt đời gắn bó với mảnh đất vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc trong suốt cuộc kháng chiến và những thập kỷ đầu của vương triều Lê sơ (nửa đầu thế kỷ XV).